Lượt xem: 3085

Chúa Nguyễn với vùng đất Nam bộ xưa từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII

Theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”1, Nguyễn Hoàng (1525-1613) đã tìm cách thoát khỏi tầm kiểm soát của Trịnh Kiểm, người anh rể có nhiều quyền lực nhất dưới triều Lê và cũng đang tìm cách triệt hạ tận gốc mầm mống có thể gây ảnh hưởng đến uy quyền của mình.

 


Nguồn angiang.dcs.vn

 

    Bắt đầu từ lúc vào Nam lập nghiệp, trấn giữ trấn Thuận Hóa năm 1558, Nguyễn Hoàng đã vượt qua bao hiểm nguy gian khó để dần dần gây dựng nên sự nghiệp lẫy lừng, mở đầu cho thời kỳ mới 9 đời chúa ở Đàng Trong (1558 - 1777), 13 đời Vua (1802-1945), kéo dài thời gian chung trên 360 năm.

    Trong hơn 2 thế kỷ trị vì của 9 đời chúa, từ trấn Thuận Hóa (sau này thêm vùng đất Quảng Nam) xa xôi hiểm trở ở cực Nam đất nước lúc bấy giờ, chúa Nguyễn Hoàng cùng các vị chúa kế tiếp đã dần dần mở mang bờ cõi về phương Nam. Chúa Nguyễn Hoàng lần lượt lập 3 dinh Ái Tử, Trà Bát và Dinh Cát, thành lập phủ Phú Yên, mở rộng thêm biên giới phía Nam của vùng đất Thuận Quảng2. Đến các vị chúa tiếp sau, biên giới phía Nam của Đàng Trong ngày càng kéo dài về phía Nam trên cơ sở chuyển dần vùng đất thuộc Champa sang quyền kiểm soát của chúa Nguyễn và sau đó là Vương triều Nguyễn.

    Song song với mở rộng dần lãnh thổ Đàng Trong về phía Nam, các chúa Nguyễn đã thể hiện tầm nhìn chiến lược lâu dài mở mang bờ cõi về phía Nam của Champa, đặt quan hệ bang giao với triều đình Chân Lạp. Năm 1620, cuộc hôn nhân giữa Công chúa Ngọc Vạn, con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên với Vua Chân Lạp Chey Chetta II, đã đặt nền móng vững chắc ban đầu cho số người Việt từ Đàng Trong vào sinh sống, khai thác vùng đất Phương Nam còn hoang hóa nhưng hết sức mầu mỡ. Lúc này, vùng đất Thủy Chân Lạp hầu như quá xa sự cai trị của Vương quyền Chân Lạp. Với nhan sắc và đức độ của Hoàng hậu Somdach Prea Praccac Vodey Prea Voeac Khsattey, tạo điều kiện cho chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên cử sứ bộ đến kinh đô Oudong bày tỏ sự thân tình và được Vua Chân Lạp đồng thuận cho lập 2 sở thuế ở Prey Nokor và Kas Krobey (tương ứng vùng Chợ Lớn - Sài Gòn và Bến Nghé – Sài Gòn ngày nay). Trước đó, chúa Nguyễn đã hai lần đưa quân giúp Chân Lạp đẩy lùi sự xâm lược của quân Xiêm La (Thái Lan), nên được sự ngưỡng mộ và tin cậy của triều đình và nhân dân nước Chân Lạp.

    Ở thời điểm này, vùng đất Sóc Trăng – Bạc Liêu thuộc sự cai quản của triều đình Chân Lạp, nhưng hết sức lỏng lẻo, vì vùng này phần nhiều còn ngập nước và vẫn còn hoang hóa khá nhiều, cư dân bản địa sinh sống rải rác trên các vùng có giồng cát cao. Vào năm 1296, dưới thời Nguyên Thành Tông của nhà Nguyên, một nhà ngoại giao là Chu Đạt Quan đã được phái tới Chân Lạp, ở tại Đền Angkor từ tháng 8 năm 1296 đến tháng 7 năm 1297. Trong tác phẩm Chân Lạp Phong thổ ký (真臘風土記), vùng đất Nam bộ ngày nay được Ông mô tả: “Từ chỗ vào Chân Bồ trở đi, hầu hết là rừng thấp cây rậm. Sông dài cảng rộng, kéo dài mấy trăm dặm cổ thụ rậm rạp, mây3 leo um tùm, tiếng chim muông chen lẫn nhau ở trong đó. Đến nửa cảng mới thấy ruộng đồng rộng rãi, tuyệt không có một tấc cây. Nhìn xa chỉ thấy cây lúa rờn rờn mà thôi. Trâu rừng họp nhau thành từng đàn trăm ngàn con, tụ tập ở đấy. Lại có giồng đất đầy tre dài dằng dặc mấy trăm dặm. Loại tre đó, đốt có gai, măng rất đắng". Trong quyển “Góp phần tìm hiểu vùng đất Nam bộ các thế kỷ XVII, XVIII, XIX (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000) của Phó Giáo sư Huỳnh Lứa hay quyển “Lược sử vùng đất Nam bộ Việt Nam" do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thực hiện (NXB Thế giới, Hà Nội, xuất bản năm 2008)... đều thể hiện rõ hơn quá trình sự khai phá vùng đất Nam bộ trong khoảng 4 thế kỷ qua.

    Sự hiện diện của cư dân Chân Lạp ở những giai đoạn trên được thể hiện qua sự tồn tại của các ngôi chùa, theo truyền thuyết có từ thế kỷ XVI – XVII như chùa Tắc Gồng, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (TK XIII), chùa Khl‘eang, chùa Mahatup (ở thành phố Sóc Trăng), chùa Bốn Mặt (xã Phú Tân, huyện Châu Thành)... ở thế kỷ XVI, XVII. Ngôi chùa Bốn Mặt là nơi được phát hiện tượng thần Vishnu khi triển khai dự án Khu văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên gần sát ngôi chùa được bắt đầu triển khai vào ngày 11/7/2020, đây là tượng thần bảo hộ Vishnu, một trong các vị thần quan trọng nhất của đạo Hindu (Ấn Độ giáo) gồm Vishnu, Shiva, Brahma4, tạo nên bộ ba các vị thần lớn được gọi là Tam vị.

    Vào năm 1988, tỉnh Tiền Giang cũng đã phát hiện tượng thần Vishnu trong hố khai quật tại Di chỉ khảo cổ Gò Thành, thuộc ấp Tân Thành, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo. Tại Sóc Trăng, chùa người Kinh (Việt) xuất hiện sớm nhất là chùa Phước Tường An, cách nay hơn 300 năm (xây dựng từ năm 1710), hiện nay thuộc xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu. Điều hết sức bất ngờ là qua khảo sát của Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, Sóc Trăng có ngôi Đình Phụng Tường, tương truyền xuất hiện cách nay khoảng 300 năm (tức khoảng đầu những năm 1700) thuộc địa bàn xã Song Phụng, huyện Long Phú.

    Theo một số nhà khoa học nghiên cứu cho biết, cho đến cuối thế kỷ XVII thì vương triều Chân Lạp đã không còn kiểm soát được vùng hạ lưu Mekong. Nên vùng bờ biển thuộc khu vực này như là Ba Thắc (ngày nay là Sóc Trăng) và Koh Haong Peam Me So (ngày nay là Mỹ Tho) là vùng đất bán tự trị được đặt dưới sự kiểm soát của các thủ lĩnh địa phương người Khmer gọi là Okna (Ốc Nha). Mãi đến đầu thế kỷ XVIII thì vùng đất này vẫn còn hoang vu, nhiều thú dữ.

    Năm 1658, Nặc Ông Chân đem quân đánh vùng Mô Xoài (Bà Rịa) khu vực Prei Ko (Sài Gòn). Chúa Nguyễn cho quân chống trả và bắt được Nặc Ông Chân, tha cho về phục chức cũ, làm chư hầu, cống phẩm hằng năm cho chúa Nguyễn.

    Hơn 20 năm sau, được sự cho phép của chúa Nguyễn, lần lượt các đoàn quan quân và gia đinh người Hoa từ phương Bắc đã về vùng đất Phương Nam để lập nghiệp. Năm 1679 có đoàn của các tướng Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên về cùng người dân bản địa khai phá vùng đất Đông Phố (nay là Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) và Mỹ Tho (thuộc tỉnh Tiền Giang ngày nay) lập nên Nông Nại Đại Phố và Mỹ Tho Đại Phố nổi tiếng sầm uất thời bấy giờ. Vùng Mang Khảm (tức vùng Hà Tiên – Rạch Giá) có viên Tướng Mạc Cửu khai phá vùng đất này từ khoảng những thập niên cuối của thế kỷ XVII. Trước đó, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định là mối quan hệ Xiêm La – Chân Lạp – Đàng Trong diễn biến vô cùng phức tạp do thế và lực của Xiêm La ngày càng mạnh, lộ rõ ý đồ thôn tính Chân Lạp đang ngày càng suy yếu sau khi thôn tính vương quốc Phù Nam vào thế kỷ thứ VII.

    Trong khi đó, Đàng Trong (chúa Nguyễn) ngày càng gia tăng uy tín và thể hiện rõ sự nổi trội trong quan hệ chân kiềng. Lúc này, Hà Tiên với sự trù phú đã trở thành đối tượng tranh chấp của Chân Lạp và Xiêm La. Cho nên, để thích ứng với điều kiện mới và giữ vững quyền lợi của dòng họ, Mạc Cửu đã quyết định nương tựa vào chúa Nguyễn qua các lần ủy thác các thuộc tướng cầu kiến chúa Nguyễn thỉnh cầu.

    Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược xứ Đồng Nai. Ông đã lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng Dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa ngày nay), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (tức Gia Định ngày nay). Như vậy, 2 dinh này chính thức là lãnh thổ thuộc Đàng Trong từ năm 1698. Đến năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi, chia toàn bộ Đàng Trong thành 12 dinh và 1 trấn phụ thuộc. Trong đó, vùng đất Nam bộ có 3 dinh là Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ và 1 trấn là Trấn Hà Tiên.

    Đến năm 1708, Mạc Cửu chính thức là viên tướng dưới trướng của chúa Nguyễn, được giao cho chức Tổng binh trấn Hà Tiên, tước là Cửu Ngọc Hầu. Từ đó, người Hoa phần nhiều nói tiếng Triều Châu, Quảng Đông đã tiếp tục tìm kiếm những vùng đất phù hợp ở phía Nam để định cư, sản xuất, làm ăn, mua bán. Trong đó có vùng đất Sóc Trăng, Bạc Liêu ngày nay.

    Do nội tình Chân Lạp rối ren vì tranh giành quyền lực, phe thì cầu viện quân Xiêm, phe thì dựa vào thế lực chúa Nguyễn. Lúc này, binh lực của chúa Nguyễn hùng hậu hơn nên giúp Chân Lạp, đánh thắng quân Xiêm La mấy trận liên tiếp. Vì vậy, Vua Chân Lạp đền ơn chúa Nguyễn bằng cách lần lượt giao các vùng đất thuộc lưu vực sông MeKong cho chúa Nguyễn quản lý như vùng Tầm Bôn (Tân An), Lôi Lạp (Gò Công) vào năm 1756, vùng đất Tầm Phong Long (theo cố học giả Vương Hồng Sển, đây là vùng đất Châu Đốc và Sa Đéc, giữa sông Tiền và sông Hậu) năm 17575.

    Tiếp nhận vùng đất mới từ sự chuyển giao của Vương quốc Chân Lạp, ngay trong năm 1737, chúa Nguyễn đã cho thành lập đạo Trấn Di với trung tâm Đạo đóng tại khu vực Vàm Tấn (nay là thị trấn Đại Ngãi thuộc huyện Long Phú) nhằm mục đích giữ gìn an ninh trật tự, kiểm soát giao thông đường thủy, hỗ trợ người dân đến khai phá, lập nghiệp ở vùng đất mới. Dân cư lúc này còn thưa thớt, rừng rậm, thú dữ còn nhiều6. Có thể khẳng định, khu vực đạo Trấn Di là một trong những nơi tập trung dân cư đầu tiên của vùng đất Sóc Trăng./.

Trịnh Công Lý

 

1 Nghĩa là: Một dãy Hoành Sơn hiểm trở, có thể yên thân được muôn đời

2 Thuận Quảng bao gồm vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi và Quảng Nam ngày nay.

3 Mây là từ được sử dụng để gọi chung khoảng 600 loại cây trong rừng nhiệt đới

4 Tức là Thần Bảo vệ, Thần Hủy diệt và Thần Sáng tạo

5 Tức vùng đất Trà Vang-Ba Thắc, là những vùng đất cách xa sự quản lý của Chân Lạp..

6 Xem  quyển Chuyên khảo về Sóc Trăng, xuất bản năm 1904 bằng chữ Pháp, Hội Nghiên cứu Đông Dương, bản dịch của Nguyễn Nghị và Nguyễn Thanh Long, NXB Trẻ năm 2019.



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 29
  • Hôm nay: 6202
  • Trong tuần: 76,909
  • Tất cả: 11,800,229